Tuy nhiên, khi mở loa lên thì sẽ có một cặp đèn LED nhỏ nằm sau lớp lưới để báo trạng thái hoạt động của loa, đổi màu khi bạn thay đổi các chế độ hoặc chỉnh âm lượng. Và nếu để ý kỹ và nhìn vào bên trong lớp lưới sắt ở mặt trước, chúng ta sẽ thấy 2 củ loa đặt gần vị trí trung tâm và hướng ra 2 phía. Gần như phần phức tạp nhất ở Bose Solo 5 chính là nằm ở cụm cổng kết nối đặt vào một hốc nhỏ ở phía sau loa với jack 3.5mm, jack bông sen, lỗ cắm dây quang, lỗ cắm nguồn điện và một cổng USB ở phía trên. Ở cạnh trái mặt sau chúng ta có một lỗ thoát hơi, chính giữa là các vòng ren để bắt loa lên tường (pad gắn tường hãng có bán với giá 25 đô).
Nếu như phần thiết kế của soundbar đơn giản đến đâu thì phần remote đi kèm lại phức tạp đến đấy. Lần đầu tiên mình mở hộp ra cũng khá sốc khi mà chúng có hẳn một chiếc remote universal với rất nhiều nút bấm khác nhau, cho phép lập trình để điều khiển TV, đầu đĩa, dàn máy,... Có lẽ đến đây đã xong phần thiết kế hay những thứ bên ngoài của loa, mình cắm dây optical đi kèm trong hộp vào TV và kết nối với loa, bắt đầu trải nghiệm nào. Âm trầm nhiều, chất lượng khá, độ chi tiết cao, nghe đàm thoại trong phim rõ, âm trường hơi hẹp Cách sử dụng và điều khiển loa cũng khá đơn giản, chỉ cần cắm vào TV là chạy, không cần tinh chỉnh bất cứ thao tác nào khác. Tùy vào nội dung đang xem mà chúng ta có thể chọn các chế độ EQ khác nhau như âm nhạc, xem phim, nghe các đoạn đối thoại,... Khi không phát ra bất cứ âm thanh nào trong 60 phút thì loa sẽ tự tắt, sau khi mở TV và bắt đầu phát nội dung thì soundbar sẽ tự bật lên và phát nhạc luôn.
Điều dễ nhận biết nhất sau khi nghe bằng soundbar so với nghe từ loa tích hợp trên TV chính là âm thanh sẽ có cường độ lớn hơn và dải âm trầm cũng được cải thiện lên rất rõ rệt. Chất âm bass mạnh mẽ, uy lực của Bose không lẫn vào đâu được. Chúng ta có dải âm trầm rất nhiều về lượng, cho những âm thanh đấm đá, tiếng trống trận trong phim được thể hiện khá tốt. Tuy nhiên việc cung cấp quá nhiều năng lượng cho dải âm này dẫn tới khả năng kiểm soát bị giảm, bass khá dễ lấn lên lên các dải âm khác và decay cũng lâu tan hơn, đôi khi cho cảm giác hơi ù. Không chỉ tăng cường độ âm thanh cũng như âm trầm mà độ chi tiết của âm thanh được Solo 5 cải thiện lên khá rõ so với khi nghe bằng loa tích hợp của TV. Chất lượng của tiếng hội thoại, các âm thanh trong phim ảnh được bóc tách khá kỹ. Giọng nói dường như được gọt dũa và trao chuốt hơn khi bật sang chế độ "hội thoại". Các âm ở dải mid vẫn được duy trì độ chi tiết nhưng được làm do dày hơn, rõ, trong và chắc chắn hơn chứ không quá mảnh, nhạt hơn so với loa TV. Cuối cùng, dải âm cao cũng được tăng chất lượng thêm một bật, góp phần tạo sự sống động, giàu năng lượng hơn so với bình thường. Tuy nhiên, nếu so với một sản phẩm nghe nhạc chuyên dụng ở mức giá tương đương thì dường như Solo 5 vẫn chỉ ở mức trung bình, không thật sự nổi bật bởi độ động chưa thật sự xuất sắc, kết hợp với bass thiếu kiểm soát khiến cho trải nghiệm nghe nhạc phần nào bị giảm sút. Còn đối với các bass head luôn đi tìm tiếng bass nhiều hơn bình thường, vẫn sẽ có chế độ boost âm bass lên nhưng gần như là điều chỉnh về mặt phần mềm chứ không dựa trên sức mạnh vật lý, do đó cho cảm giác bị thổi phồng lên không đáng có. Và cuối cùng, cũng do giới hạn vật lý nên một chiếc loa nhỏ như Solo 5 không cho âm trường rộng rãi như nhiều chiếc loa "5 chấm" hoặc "7 chấm" khác. Trường âm thanh của Solo 5 khá hẹp, thiếu dàn trải và có phần bị gò bó mặc dù hãng đã cố gắng sắp đặt cấu trúc củ loa bên trong nhằm cải thiện điều này. Suy cho cùng, với mức giá 250 đô la, kích thước nhỏ gọn, sử dụng đơn giản, nhu cầu nâng cấp nhẹ cho chiếc TV trong nhà được Solo 5 đảm nhiệm khá hiệu quả, tất nhiên là phải chấp nhận một số khiếm khuyết nhất định.